Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Tài sản các nước mới nổi bị bán tháo trên toàn cầu

BY Đăng Nguyên IN No comments


Nhà đầu tư châu Á đang chuẩn bị tinh thần cho một phiên giao dịch thách thức hơn nữa, khi biến động tại các thị trường mới càng trầm trọng.

Đồng rupiah Indonesia đang trở thành tâm điểm khi xuống thấp nhất so với USD kể từ khủng hoảng tài chính châu Á. Đồng tiền này đã mất hơn 7% trong 3 tháng qua, mạnh nhất trong nhóm tiền tệ lớn ở châu Á, dù ngân hàng trung ương đã can thiệp nhằm bình ổn thị trường tài chính.

Chỉ số theo dõi tiền tệ các nước đang phát triển của MSCI đã giảm 6 trong 7 phiên gần đây và đang trên đà đóng cửa ở mức thấp nhất hơn một năm. Rupee Ấn Độ sáng nay cũng mở cửa ở mức thấp kỷ lục so với đôla Mỹ. Trong khi đó, peso Argentina hôm qua mất 2% so với USD.



Một khu chợ tại Tây kalimantan (Indonesia). Ảnh: Bloomberg


Nhóm cổ phiếu cũng không thoát khỏi xu hướng này. Chỉ số MSCI của các nền kinh tế mới nổi đã giảm 6 phiên liên tiếp hôm nay, sau thông tin Nam Phi rơi vào suy thoái và lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt. Shanghai Composite (Trung Quốc) hiện mất 0,9%.

Tài sản các nước mới nổi đã bị bán từ khi Mỹ bắt đầu nâng lãi suất. Đồng đôla mạnh lên do Fed nâng lãi suất đã khiến lãi suất cho vay toàn cầu cũng tăng lên theo. Kịch bản này khó sớm thay đổi. Việc Mỹ giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng và hoạt động sản xuất lên đỉnh 14 năm đã giúp đồng bạc xanh vẫn duy trì ở mức cao.

Dù vậy, nhà đầu tư còn lo ngại những rủi ro độc lập tại từng thị trường, từ khủng hoảng tài chính tại Argentina, tình hình thâm hụt của Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc bầu cử gây tranh cãi tại Brazil đến dự luật cải cách đất đai của Nam Phi. Nhà đầu tư lo lắng Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ không hành động mạnh tay trong cuộc họp chính sách tuần tới để lấy lại niềm tin của thị trường. Triển vọng kinh tế Argentina cũng xuống cấp và đang đàm phán tăng tốc cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Việc Tổng thống Mỹ - Donald Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu lên thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc ngay tuần này càng khiến họ e ngại. “Xu hướng tài sản các nước mới nổi mất giá dường như chưa có dấu hiệu dừng lại”, Koji Fukaya - CEO FPG Securities nhận xét, “Nhà đầu tư đã chọn lọc hơn. Những nước có tin tức tiêu cực, như tăng trưởng kinh tế yếu, cán cân vãng lai yếu hay lạm phát cao đều phải đối mặt với đà bán tháo mạnh”.

Dù vậy, điểm sáng hiếm hoi hiện tại là Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ nội tệ, trong đó có đưa trở lại một yếu tố phản chu kỳ vào công thức tính tỷ giá tham chiếu ngày. Giới chức nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới cũng đã có chính sách duy trì tăng trưởng bền vững, được kỳ vọng hỗ trợ nhu cầu toàn cầu.

Hà Thu (theo Bloomberg/Reuters)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét