Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Công ty liên doanh Nhật thu nghìn tỷ mỗi năm nhờ bán máy in nhãn

BY Đăng Nguyên No comments


Từ vốn 10 triệu USD, King Jim Việt Nam thu về 70 triệu USD năm 2017, dự định tăng vốn lên gấp ba trong năm sau, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đại diện Công ty King Jim Việt Nam (trụ sở Bến Cát, Bình Dương) cho biết doanh nghiệp sắp triển khai kế hoạch tăng vốn đầu tư thêm 20 triệu USD trong năm 2019 nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng hoạt động và tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ hơn.

Theo đó doanh nghiệp dự chi 15.000 USD cho phát triển thị trường, tập trung vào Mỹ, Dubai và Hàn Quốc. Công ty cũng sẽ tham gia các sự kiện, hoạt động lớn nhỏ nhằm quảng bá tên tuổi liên doanh Việt - Nhật, trước mắt sẽ tham gia triển lãm Paperworld 2019.



Trụ sở công ty King Jim Việt Nam tại Bến Cát, Bình Dương.


Nguồn vốn đầu tư tăng mạnh còn phục vụ nhu cầu cải tiến công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực trong việc mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó tập trung khai thác dòng sản phẩm chủ lực của King Jim là máy in nhãn Tepra - một trong những thương hiệu thành công nhất của tập đoàn King Jim tại sân nhà Nhật Bản cũng như trên toàn cầu.

King Jim ra mắt máy in nhãn tại Nhật Bản vào năm 1988. Sau 30 năm phát triển đa dạng các dòng máy, công ty hiện chiếm 50% thị phần máy in nhãn tại Nhật, doanh số đạt 10 triệu máy. Tại Việt Nam, doanh nghiệp phát triển riêng dòng máy có phiên bản tiếng Việt, nhỏ gọn và giao diện dễ sử dụng, tiện hơn trong công việc.

Năm 2017, dòng sản phẩm này góp phần lớn vào doanh thu 1.632 tỷ đồng, dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và năm sau khi đón nhận dòng vốn đầu tư mới.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng tốt ở các ngành hàng văn phòng phẩm như bìa hồ sơ, chuột scan, máy quét danh thiếp, bảng ghi chú điện tử...

"Từ những nỗ lực đầu tư lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng các sản phẩm công nghệ mới của Nhật sẽ có chỗ đứng trên thị trường và có được lòng tin của người tiêu dùng thông qua các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người Việt ngày càng tốt hơn", đại diện King Jim cho biết.

Trong năm nay, doanh nghiệp đã triển khai mở rộng thị trường sang Trung Đông và Australia, đánh dấu bằng cột mốc mở đại lý chính thức tại xứ sở chuột túi và Ấn Độ.



Máy in nhãn Tepra Pro phiên bản tiếng Việt.


Trước đó, công ty đã đầu tư 10 triệu USD mở thêm nhà máy thứ hai vào năm 2012 và nhà máy thứ ba vào năm 2016, chuyên sản xuất các loại sản phẩm có thiết kế tốt hơn và đòi hỏi chuyên môn trong sản xuất, in ấn để phục vụ nhu cầu thị trường nước ngoài. King Jim đồng thời thành lập văn phòng đại diện tại TP HCM để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế.

Sản phẩm King Jim được nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng như Aeon, Sumitomo Corporation, Kirin Beverage, Itochu Pulp & Paper, ngoài ra còn có một số sản phẩm nhập khẩu từ Nhật và phân phối tại thị trường Việt Nam cũng như các nước khác.

Đại diện King Jim nhấn mạnh công ty đánh giá cao thị trường Việt Nam và đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất tại đây. Bởi Việt Nam là một trong những đối tác đầu tư thương mại quan trọng của Nhật Bản.

Nửa đầu năm 2018, trong danh sách 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản đứng đầu với quy mô 6,47 tỷ USD (31,8% tổng vốn đầu tư). Vào năm ngoái, Việt Nam đã vượt qua Indonesia giành vị trí là quốc gia đứng thứ 9 trong số 10 quốc gia có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Nhật Bản, kim ngạch thương mại song phương đạt 33,4 tỷ USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Khác với dòng vốn từ một số nhà đầu tư nước ngoài chỉ trọng tâm vào một lĩnh vực cụ thể, sự hiện diện của các nhà đầu tư từ "xứ sở mặt trời mọc" được trải dài từ nông nghiệp, tiêu dùng, sản xuất, tài chính, cho tới bất động sản, với quy mô đầu tư từ vài chục triệu USD cho tới hàng tỷ USD.

Sự hiện diện của tập đoàn King Jim tại Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh của thị trường này trong mắt các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng.

Với lịch sử hoạt động hơn 90 năm tại Nhật, đại diện doanh nghiệp cho biết việc đẩy mạnh hợp tác, phát triển tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc bổ sung vốn mà còn đồng hành trên phương diện trao đổi kinh nghiệm công nghệ - kỹ thuật nhằm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước hướng tới mục tiêu 60 tỷ USD năm 2020.

Nam Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét