Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Bức tranh ngược màu của ngành ngân hàng sau 9 tháng

BY kinh doanh và công nghệ IN No comments

Trái ngược với con số lợi nhuận đẹp của phần lớn ngân hàng, một số đơn vị lại công bố kết quả kinh doanh khá bết bát với phần lãi âm hoặc giảm hơn một nửa.
Thời điểm này, hàng loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III, với sự phân hóa rõ nét. 

Nhiều ngân hàng báo lãi lớn

Techcombank cho biết, lũy kế 9 tháng, ngân hàng đạt tổng tài sản 222.800 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2015. Lợi nhuận trước thuế đạt được là 2.870 tỷ đồng, tăng 84,6%, sau thuế 2.300 tỷ, tăng 89,5%.
Theo lãnh đạo ngân hàng, lợi nhuận khả quan đến từ dư nợ tín dụng tăng 21,5% so với cùng kỳ và sự lạc quan của một số hoạt động trong kinh doanh. Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của đơn vị này quý III đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 43,8% so với cùng kỳ 2015 và 9 tháng tăng 34% đạt 5.800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống còn 1,81% do đó giúp giảm chi phí dự phòng của ngân hàng.
VietinBank báo lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 6.500 tỷ đồng, tăng 13,2%, sau thuế là 5.200 tỷ đồng, tăng 16,4%. Tổng tài sản của ngân hàng, tính đến 30/9 đạt 900.000 tỷ đồng, tăng 15,5% so với thời điểm đầu năm. Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 9,5% lên 3.000 tỷ, chi phí dự phòng tăng đột biến 53% lên 1.968 tỷ đồng.  
Báo cáo tài chính của đơn vị này cho hay nợ có khả năng mất vốn hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 28%. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,92% xuống 0,86%.
Buc tranh nguoc mau cua nganh ngan hang sau 9 thang hinh anh 1
Sơ bộ kết quả kinh doanh một số ngân hàng. Đồ hoạ: Kiều Linh. 
Còn ở SHB, tính đến 30/9, lợi nhuận trước thuế đạt 788 tỷ đồng, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng vốn huy động đạt hơn 198.400 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường I đạt 176.400 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015. Tổng dư nợ đạt hơn 147.300 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2015.
SHB cho biết đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước với tổng dự phòng 2.600 tỷ đồng. Đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức 2,25% trên tổng dư nợ. Từ đầu năm, đơn vị này cũng thu hồi được 1.500 tỷ đồng nợ xấu. 
Eximbank, KienLongBank, Sacombank "khóc thét" giữa dòng
Kiên Long là ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý III năm nay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng, tổng tài sản ngân hàng đạt trên 26.000 tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với đầu năm.
Do chi phí hoạt động chiếm 153 tỷ đồng, tăng 21% cùng với chi phí dự phòng tăng nhẹ, chiếm gần 50 tỷ đồng, kết thúc quý III, ngân hàng báo lỗ 8,8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, KienLongBank ghi nhận gần 20 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, ngân hàng còn 15,8 tỷ đồng lợi nhuận. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,12% tại thời điểm đầu năm lên 1,46%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 54% lên 187 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Eximbank 9 tháng qua cũng tương đối ảm đạm. Ngân hàng này báo tổng lợi nhuận trước thuế ghi nhận 202 tỷ đồng, giảm 70%, sau thuế đạt 159 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 124.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận xuất phát từ nhiều yếu tố như cho vay khách hàng đạt trên 80.000 tỷ đồng, giảm gần 5%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sau 9 tháng chiếm 3,35% tổng dư nợ cho vay. Đầu năm, tỷ lệ này ở mức 1,85%.
Mặc dù vậy, trong kỳ, chi phí hoạt động giảm 6% còn 500 tỷ, chi phí dự phòng cũng giảm 21% còn 261 tỷ đồng đã tác động tích cực đến kết quả lợi nhuận sau cùng của ngân hàng so với quý II năm 2016. Quý III, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 123 tỷ đồng, tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ. 
Cùng với 2 ngân hàng trên, lợi nhuận của Sacombank cũng giảm cực mạnh. Cụ thể, hết tháng 9/2016, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 550 tỷ đồng, giảm 75% so với con số hơn 2.100 tỷ đồng cùng kỳ 2015. Trong khi đó, nợ xấu ngân hàng này đến hết quý III là 2,36%.
Chia sẻ với Zing.vn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, sự phân hóa trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn có từ trước đến nay, nhưng hiện tại thể hiện rõ nét hơn. Do đó, chuyện có đơn vị trước đây kinh doanh tốt lỗ đến 70%, thậm chí âm lợi nhuận là bình thường. "Đến một lúc nào đó, phần lợi nhuận thực tế của các ngân hàng sẽ được minh bạch, và khi đó, thì chuyện giấu lỗ hay công bố lão ảo, ngay cả muốn, cũng khó", chuyên gia này bình luận. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét