Sau 9 tháng, Eximbank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nhưng về giá trị tuyệt đối thì BIDV đang dẫn đầu với hơn 13.000 tỷ đồng. Tổng nợ xấu toàn hệ thống hiện là 5,84%.
Theo thống kê báo cáo tài chính quý III/2016 của 13 ngân hàng công bố đến thời điểm hiện tại thì nợ xấu các ngân hàng hầu hết đều tăng so với thời điểm đầu năm 2016, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh.
Tỷ lệ nợ xấu đa số dưới 3%, ngoại trừ Eximbank
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giữ vị trí quán quân về nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2016. Tính đến 30/9, Eximbank có 2.705 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 1.079 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank chiếm 3,35% tổng dư nợ cho vay, tăng mạnh so với mức 1,85% ở thời điểm đầu năm.
Xếp ngay sau là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Sau 9 tháng, Sacombank có tổng nợ xấu là 4.620 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.095 tỷ đồng. Nợ xấu tăng lên 2,4% so với mức 1,9% ở thời điểm đầu năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đứng thứ 3 về tỷ lệ nợ xấu, tăng từ 1,72% lên 2,22%. Cụ thể, tổng số nợ xấu là 3.310 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.869 tỷ đồng, tăng 46%.
Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm (%). Đồ họa: P. Diệp |
Tăng mạnh và gây ồn ào về con số nợ xấu trong năm 2016 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Sau 9 tháng, ngân hàng có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã tăng từ khoảng 1,6% cuối 2015 lên gần 2%, tương ứng với hơn 3.160 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm.
Tiếp theo trong danh sách là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Ngân hàng có 2.460 tỷ đồng nợ xấu vào ngày 30/9/2016. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.438 tỷ đồng, tăng 42%. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank hiện là 1,81% so với mức 1,67% của tháng 12/2015
Điểm sáng trong 9 tháng đầu năm về bức tranh nợ xấu thuộc về các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,07% xuống 1,54%, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) giảm còn 1,33% so với 1,6%, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm còn 1,13% so với mức 1,3%, VietAbank giảm từ 2,26% xuống 1,17% tại thời điểm đầu năm.
Hai ông lớn trong hệ thống là Vietcombank và VietinBank có tỷ lệ nợ xấu giảm không đáng kể. Vietcombank giảm còn 1,7% so với mức 1,8%, của VietinBank giảm từ 0,92% xuống 0,86%.
Nợ xấu theo giá trị tuyệt đối đều tăng
Nếu xét về giá trị tuyệt đối thì hầu như tất cả các ngân hàng đều có nợ xấu tăng. Đứng top đầu hệ thống là các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối bởi vì quy mô cho vay lớn (hơn 400.000 tỷ đồng).
Giá trị nợ xấu các ngân hàng tính theo giá trị tuyệt đối (tỷ đồng). Đồ họa: P. Diệp |
BIDV là ngân hàng có số lượng nợ xấu nhiều nhất với 13.217 tỷ. Đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn lên tới gần 7.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2015, gấp đôi vốn điều lệ của một số ngân hàng có quy mô nhỏ.
BIDV cũng là nhà băng đang nắm giữ trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) với giá trị lớn nhất. Chưa kể còn có những khách hàng là chủ sở hữu hàng nghìn tỷ nợ vay của nhà băng này như Hoàng Anh Gia Lai hay CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS).
VietinBank có tổng nợ xấu là 5.380 tỷ đồng, tăng so với 4.942 tỷ đồng vào đầu năm 2016. Trong khi đó, tổng số nợ xấu của Vietcombank là 7.757 tỷ đồng (đầu năm là 7.137 tỷ đồng), trong đó nợ có khả năng mất vốn là 5.414 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng là do các ngân hàng trả nợ cho quá khứ
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) Nguyễn Quốc Hùng, tính đến tháng 8/2016, nợ xấu các ngân hàng là 147.000 tỷ đồng, chiếm 2,66% tổng dư nợ.
Như vậy, nợ xấu có xu hướng gia tăng từ mức 2,55% vào cuối năm 2015 lên 2,66%. Nếu tính cả nợ xấu tổ chức tín dụng bán cho VAMC sau khi thu hồi nợ và xử lý rủi ro là 186.000 tỷ đồng thì tỷ lệ này chiếm tỷ lệ 5,84% tổng dư nợ.
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng, thậm chí tăng mạnh ở một số ngân hàng là do các ngân hàng thương mại ghi nhận thực chất hơn và ghi nhận từ yếu tố quá khứ do có một lượng lớn nợ xấu trước đây đã được cơ cấu.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể đẩy nợ xấu tại các ngân hàng lên cao là do trong năm 2016, VAMC hầu như không mua mà chỉ tập trung xử lý nợ xấu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét