(ĐTCK) Mặc dù mảng vàng miếng vẫn thường mang lại doanh thu rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, tuy nhiên, lợi nhuận tạo ra từ mảng này lại không cao như kỳ vọng. Thực tế cho thấy, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh vàng miếng thường chỉ trong khoảng 0,1-0,5%, tức cứ bán ra 1 lượng vàng giá khoảng 35 triệu đồng, thì lợi nhuận thu về chỉ khoảng 35.000 – 165.000 đồng/lượng.
Chẳng hạn, CTCP TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) từng “lao đao” cùng giá vàng sau giai đoạn bùng nổ mạnh từ đầu những năm 2000 và tạo đỉnh 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2011, sau đó lao dốc mạnh và hiện chỉ còn trên 1.200 USD/ounce.
Cùng với việc giá vàng thế giới giảm mạnh, giao dịch vàng miếng trong nước cũng không còn sôi động như trước. Sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế dần thu hẹp khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là vàng miếng như SJC chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước siết lại việc sản xuất và kinh doanh vàng miếng.
Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn đã và đang thâm nhập sâu hơn vào mảng vàng trang sức, kim cương…, những sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với vàng miếng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng xác định vàng trang sức là mảng kinh doanh cốt lõi, nên không ngừng đẩy mạnh phát triển mảng này. Nhờ đó, các doanh nghiệp có tỷ trọng kinh doanh vàng trang sức lớn vẫn ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong những năm qua, dù giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng giảm.
CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2016 với những con số đáng chú ý: tổng doanh thu đạt 6.725 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ 2015, trong đó, doanh thu trang sức bán lẻ tăng 27%; lợi nhuận trước thuế đạt 510 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ 2015 và hoàn thành 110% kế hoạch năm.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho biết, PNJ đạt được kết quả trên là do Công ty có chiến lược phát triển cho từng giai đoạn, trong đó có việc tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là bán lẻ trang sức. Bên cạnh đó, PNJ không ngừng đầu tư vào nhà xưởng, với dây chuyển sản xuất trang sức công nghệ cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Thực tế, những năm trước đây, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, trang sức tại Việt Nam là khá lớn. Điều này khiến thị trường vàng hoạt động có phần hỗn độn, tình trạng vàng không đạt tiêu chuẩn diễn ra tương đối phổ biến. Người mua vàng thường phải “mua đâu, bán đó”, nếu không muốn sẽ bị ép giá.
Tuy nhiên, kể từ khi việc quản lý thị trường vàng được siết chặt theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, thị trường này dần trở nên ổn định hơn. Cùng với đó, việc quy hoạch lại thị trường vàng cũng khiến “đất diễn” của nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, không đủ tiêu chuẩn bị thu hẹp đáng kể, nên thị phần ngày càng tập trung vào các “ông lớn” như PNJ, Doji, Bảo Tín Minh Châu…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, việc kiểm soát chất lượng vàng đã được các cơ quan quản lý thực hiện từ lâu, song lực lượng cũng như công cụ để kiểm soát chất lượng vàng liệu đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa lại là vấn đề khác. Theo quy định, chỉ có một số ít doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng, nhưng trên thực tế, nhiều cửa hàng không đủ tiêu chuẩn vẫn mua bán vàng miếng.
“Thông tư 22/2013/TT-BKHCN hướng dẫn về quản lý đo lường trong kinh doanh và quản lý chất lượng vàng trang sức quy định rõ, doanh nghiệp, cửa hàng mỹ nghệ bán vàng nữ trang thiếu tuổi, không công bố hàm lượng vàng từng sản phẩm, trọng lượng vàng sẽ bị phạt nặng”, ông Long cho hay.
Mặt khác, theo ông Long, mặc dù vẫn còn tình trạng vi phạm quy định về sản xuất và kinh doanh vàng, nhưng thực tế thị trường cũng cho thấy, các doanh nghiệp đã có thương hiệu và uy tín vẫn luôn được người tiêu dùng lựa chọn.
Từ xa xưa, vàng là loại tài sản có giá trị lớn và rất phổ biến, có mặt trong hầu hết gia đình Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, với quan niệm đem lại sự may mắn, bên cạnh việc có giá trị “bền vững với thời gian”, nên người dân luôn “yên tâm” cất giữ. Do vậy, một khi vàng miếng còn bị hạn chế, trong khi thị trường vàng trang sức tiếp tục được các doanh nghiệp mở rộng thì nhu cầu về vàng nguyên liệu sẽ càng lớn.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức hiện đang rất thiếu nguyên liệu đầu vào, khi lượng vàng thu mua được chủ yếu là thu gom nhỏ lẻ trên thị trường, trong khi doanh nghiệp không có quota nhập khẩu vàng và cũng rất khó vay vốn bằng vàng.
Ông Long cho rằng, việc “mở cửa” đối với thị trường vàng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tối thiểu là được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét