Trưa 12/12, Thượng tá Mai Chiến Thắng, Phó Chánh Văn phòng Công an Đà Nẵng cho hay, các lực lượng chức năng của Công an TP này vừa phá thành công đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn
Từ tin báo ban đầu
Theo đó, ngày 21/10/2012, Phòng An ninh chịnh trị nội bộ (PA83, Công an Đà Nẵng) nhận được tin báo của Đại học dân lập Duy Tân có một đối tượng sử dụng bằng đại học giả của trường này. Lập tức PA83 Đà Nẵng tiến hành triển khai xác minh làm rõ người sử dụng bằng giả đó. Qua khai thác người này, PA83 Đà Nẵng phát giác một đối tượng chuyên môi giới cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả cho những người có nhu cầu.
"Từ các đầu mối này, sau gần 2 tháng điều tra, PA83 Đà Nẵng phát hiện ra cả một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoạt động kể từ năm 2000 đến nay với quy mô chưa từng có trên địa bàn TP, chuyên cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả cho các đối tượng có nhu cầu ở khắp miền Trung - Tây Nguyên để sử dụng vào mục đích riêng. Các đối tượng trong đường dây này có nhiều tiền án, tiền sự về tội làm giả giấy tờ. Ngay sau đó, PA83 đã báo cáo Giám đốc Công an TP và được chỉ đạo phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra để tiến hành điều tra, xử lý" - Thượng tá Mai Chiến Thắng cho hay.
Đại uý Ngô Văn Công, Đội trưởng Đội Giáo dục, y tế, lao động xã hội (PA83 Đà Nẵng) cho biết thêm, đến ngày 1/12/2012, tại quán cafe số 42 đường Phan Thanh, các cán bộ điều tra đã bắt quả tang Đặng Tuấn Anh (còn gọi là Mai, sinh năm 1956, trú tại thôn Ngân Giang, xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) và Nguyễn Xuân Hoàng (sinh năm 1958, quê quán ở Bình Hải, Thăng Bình, Quảng Nam, trú tại tổ 5 phường Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đang thực hiện việc giao nhận văn bằng, chứng chỉ giả cho "khách hàng".
Phát hiện ra đường dây làm bằng giả quy mô lớn
Cơ quan An ninh điều tra đã ra lệnh bắt giữ ngay Đặng Tuấn Anh và Nguyễn Xuân Hoàng. Qua khai thác, cơ quan điều tra tiếp tục ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Hằng Minh (sinh năm 1978, trú tại K814/54 Trần Cao Vân, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Qua khám xét nơi ở của 3 đối tượng này, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều vật chứng, phương tiện để làm giả văn bằng, chứng chỉ đủ gây "choáng" đối với nhiều người.
Cơ quan An ninh điều tra đã ra lệnh bắt giữ ngay Đặng Tuấn Anh và Nguyễn Xuân Hoàng. Qua khai thác, cơ quan điều tra tiếp tục ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Hằng Minh (sinh năm 1978, trú tại K814/54 Trần Cao Vân, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Qua khám xét nơi ở của 3 đối tượng này, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều vật chứng, phương tiện để làm giả văn bằng, chứng chỉ đủ gây "choáng" đối với nhiều người.
Trong đó có 20 con dấu giả làm bằng đồng và nhôm, con dấu tên chức danh của Ban Giám hiệu các trường đại học, cao đẳng, THCN, THPT trên địa bàn Đà Nẵng; hàng trăm phôi con dấu đã chế tác trên phim nhựa để thực hiện làm giả văn bằng, chứng chỉ các cấp học, chữ ký của hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, THCN, THPT và con dấu, chữ ký của UBND các cấp để phục vụ cho việc chứng thực bản sao công chứng; 02 USB chứa dữ liệu và 1 bộ máy vi tính phục vụ cho việc in ấn, máy in màu loại xịn, 02 bàn in và nhiều loại mực in thủ công các loại văn bằng.
"Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện, thu giữ trên 1.000 bản sao phôi văn bằng đại học, cao đẳng, THCN, THPT, bổ túc văn hoá và học bạ, bảng điểm các cấp, cho thấy đường dây này làm giả từ A tới Z luôn. Ngoài ra còn có trên 150 con tem in chống giả và nhiều phôi phim nhựa để làm tem giả; 01 phôi được chế tác trên bản phim nhựa để làm giả sổ đỏ về quyền sở hữu nhà và đất chứng tỏ tầm mức hoạt động của đường dây này không chỉ dừng ở chỗ làm văn bằng, chứng chỉ giả!" - Đại uý Ngô Văn Công nói.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định thêm một đối tượng có liên quan đến vụ việc. Và vào ngày 7/12, Cơ quan An ninh điều tra (Công an Đà Nẵng) tiếp tục ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của Trần Ngọc Anh (tức Thành, sinh năm 1952, ở tổ 12, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Đây là mắt xích quan trọng trong đường dây làm giả này, từng có 2 tiền án, tiền sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, đối tượng Nguyễn Xuân Hoàng bị bắt hôm 1/12 cũng đã có 1 tiền án về tội này.
Căn cứ vào tài liệu, vật chứng và chứng cứ thu được, Cơ quan An ninh điều tra Công an Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ án theo điều 267 BLHS về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và khởi tố bị can, tạm giam 3 tháng đối với 4 đối tượng kể trên theo khoản 2 Điều 267 BLHS. Hiện Cơ quan An ninh điều tra đang phối hợp với PA83 và các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Đà Nẵng tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Đại uý Ngô Văn Công cho biết, đường dây này hoạt động hết sức tinh vi. Do nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự nên bọn chúng rất đề phòng, cảnh giác, chỉ giao dịch với người quen biết, và giao dịch rất chớp nhoáng, phần lớn là ở ngoài đường, giao "hàng" xong là biến ngay, thay đổi địa chỉ liên tục nên rất khó xác định quy luật để bắt quả tang nhằm chứng minh hành vi phạm tội. Đặc biệt, các đối tượng trong đường dây này không ai biết việc của ai, kẻ chuyên làm phôi bằng không biết máy in đặt ở đâu, kẻ đánh thông tin lên phôi bằng không biết ai là người ký...
Trên 1.000 nguời đã sử dụng bằng giả của đường dây này
Thượng tá Mai Chiến Thắng nhắc lại lần nữa, trong số các tài liệu, vật chứng và chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu giữ được có trên 1.000 bản sao phôi bằng đại học, cao đẳng, THCN, THPT, bổ túc văn hoá và học bạ, bảng điểm các cấp. Nghĩa là sau khi giao cho "khách hàng" văn bằng, chứng chỉ giả "gốc" và các bản sao công chứng thì đường dây này vẫn lưu lại bản sao của các văn bằng, chứng chỉ giả đã cung cấp cho từng người.
"Chúng tôi chưa rõ các đối tượng lưu giữ các bản sao này để làm gì nhưng đây thực sự là một thuận lợi đối với công tác điều tra. Với trên 1.000 bản sao thu giữ được cho thấy đã có trên 1.000 người ở khắp miền Trung - Tây Nguyên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả do đường dây này cung cấp. Chủ yếu là để xin việc tại các doanh nghiệp tư nhân vốn ít quan tâm đến việc thẩm tra các văn bằng, và phục vụ cho việc làm thủ tục du học nước ngoài. Tuy nhiên cũng đã có một số đối tượng sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả đó để chui vào các cơ quan nhà nước" - Thượng tá Mai Chiến Thắng cho hay.
Ông khẳng định, danh tính, địa chỉ của những người này đều được thể hiện rõ trong các bản sao. Vì vậy Công an Đà Nẵng khuyến cáo họ tự giác giao nộp văn bằng, chứng chỉ giả cho Cơ quan An ninh điều tra Đà Nẵng (điện thoại: 05113 - 860380; 860204) để phục vụ công tác điều tra. Tất cả các đối tượng "chân rết" khác có liên quan đến đường dây này cũng được khuyến cáo nên thành khẩn trình diện và khai báo với cơ quan công an.
Qua xác định của cơ quan công an, giá các văn bằng, chứng chỉ mà đường dây này cung cấp cho "khách hàng" từ 5 - 10 triệu đồng tuỳ theo loại. Trong đó, đối tượng môi giới như Nguyễn Xuân Hoàng hưởng lợi tới 80%, còn các đối tượng gia công chỉ hưởng 20% còn lại (chẳng hạn với loại bằng giả trị giá 10 triệu đồng thì Hoàng "ăn" tới 8 triệu, các đối tượng gia công chỉ được 2 triệu đồng nhưng phải chia ra nhiều công đoạn như in ấn, đóng dấu, ký tên... nên mỗi người chỉ được vài trăm ngàn).
"Chúng tôi xác định không chỉ các đối tượng chủ chốt đã bị bắt mà đường dây này còn có rất nhiều chân rết. Đặc biệt, ngoài đối tượng môi giới chính là Nguyễn Xuân Hoàng còn rất nhiều đối tượng môi giới khác mà cơ quan điều tra đã xác định và đang tiếp tục làm rõ. Nếu họ không tự giác khai báo thì cũng không thể trốn tránh được vì các đối tượng chủ chốt đã bị bắt sẽ khai ra !" - Đại uý Ngô Văn Công nhấn mạnh.
Theo Infonet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét