Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Nợ của 'đại gia' lương thực miền Nam tăng gần 3.000 tỷ đồng

BY Đăng Nguyên No comments

Báo cáo tài chính bán niên 2018 vừa được công ty mẹ Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) công bố ghi nhận nguồn vốn tính đến cuối kỳ hơn 10.100 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm hơn 61% trong số này, tương ứng gần 6.200 tỷ đồng và tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
Nguyên nhân chính khiến nợ tăng đột biến là do công ty ghi nhận khoản phải trả về cổ phần hóa lên đến 1.280 tỷ đồng sau khi hoàn tất việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào giữa tháng 3. Vay tài chính ngắn hạn cũng nhảy vọt lên 3.860 tỷ đồng, nhưng thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy văn phòng Tổng công ty và các đơn vị thành viên vẫn đảm bảo khả năng thanh toán.
Biến động nguồn vốn kéo theo thay đổi tương ứng về tổng tài sản. Tài sản ngắn hạn tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn phân nửa trong cơ cấu tài sản. Phần lớn trong khoản chênh lệch đến từ việc tăng tiền gửi ngân hàng, tính đến cuối kỳ xấp xỉ 2.900 tỷ đồng.
Kế hoạch tài chính Vinafood II sau cổ phần hóaĐơn vị: tỷ đồngTổng tài sảnVốn chủ sở hữuDoanh thu thuầnLợi nhuận sau thuếNăm 2018Năm 2019Năm 202005k10k15k20k
Hoạt động kinh doanh của Vinafood II trong giai đoạn cổ phần hóa cũng tăng trưởng tích cực khi lũy kế doanh thu thuần sáu tháng đầu năm đạt 7.450 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 70%. Chi phí bán hàng tăng gấp ba lần nhưng công ty vẫn báo lãi xấp xỉ 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế đến 118 tỷ đồng.
Hồi tháng 4, công ty đã niêm yết toàn bộ cổ phần trúng giá trong phiên IPO trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên 10.100 đồng. Đến tháng 8, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ, nâng tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại Vinafood II lên 51,43% do cộng thêm số cổ phần không bán hết trong đợt đấu giá công khai và bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên.
Vinafood II đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất năm nay lần lượt đạt 20.156 tỷ đồng và 240 tỷ đồng. 
Ban lãnh đạo công ty cho biết, thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng về số lượng, công ty sẽ tập trung nguồn lực thay đổi cơ cấu xuất khẩu gạo theo hướng giảm tỷ lệ gạo trắng thông thường, nhằm thâm nhập các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU... Đồng thời, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo các dòng sản phẩm gạo thuần chủng, gạo dinh dưỡng. Công ty cũng đẩy mạnh việc thu hồi công nợ, đa dạng các hình thức huy động vốn để giảm bớt sức ép lãi vay từ ngân hàng.
Phương Đông

0 nhận xét:

Đăng nhận xét