Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Hàng triệu người Trung Quốc rời phố về quê làm nông nghiệp

BY Đăng Nguyên IN No comments

Đầu năm 2013, khi hàng nghìn xác lợn bệnh trôi trên một nhánh của sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, mùi hôi thối khiến Zheng Lixing buồn nôn. "Nếu bạn ở đó, bạn sẽ không ăn nổi trong vài ngày", Zheng nói. Ông quê ở Thiểm Tây, là tiến sĩ khoa học vật liệu polymer của Đại học Khoa học và Công nghệ Thiên Tân. Trải nghiệm này khiến ông lo ngại về ngành nông nghiệp của đất nước.

Ba năm sau, với hai triệu nhân dân tệ tiền cá nhân và các nhà đầu tư, Zheng Lixing cùng 4 sinh viên tốt nghiệp quyết định về Thiểm Tây. Họ muốn cho nông dân địa phương thấy lợi ích của việc chuyển đổi sang phương pháp hữu cơ.

Zheng nói sẽ mất thêm vài năm nữa để phục hồi hoàn toàn chất lượng đất, vốn bị ô nhiễm vì sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Hiện tại, trang trại của ông chỉ sử dụng phân hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học. Tuy nhiên, kết quả là năng suất cây trồng thấp và điều này khiến nông dân địa phương chẳng hào hứng học hỏi. Về dài hạn, để họ thay đổi suy nghĩ thì cần sản phẩm chất lượng tốt và bán được giá cao. Trước mắt, trang trại của ông sẽ không hòa vốn đến cuối năm nay.

Zheng là một trong số những trí thức thành thị Trung Quốc trong xu hướng rời phố về với ruộng vườn. Vào tháng 3, ông Tập Cận Bình nói cần nhiều nỗ lực hơn để khuyến khích sinh viên tốt nghiệp tài năng và người du học trở về nông thôn đổi mới nền nông nghiệp. Các biện pháp hiện tại gồm giảm thuế, tiếp cận tài chính dễ dàng hơn và các hỗ trợ khác cho doanh nhân nông nghiệp.

Những người nông dân Trung Quốc. Ảnh: Oleg Nikishin

Những người nông dân Trung Quốc. Ảnh: Oleg Nikishin

Khoảng 60% dân số Trung Quốc hiện sống ở các thị trấn và thành phố, tăng mạnh so với tỷ lệ 26% vào năm 1990. Tuy nhiên, con số đó vẫn thấp hơn mức trung bình 75% ở các nước phát triển. Mặt khác, xu hướng "đô thị hóa ngược" đang tăng lên khi cơ sở hạ tầng được cải thiện ở vùng sâu vùng xa.

Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết có 7 triệu người đã rời thành thị để về nông thôn, nhưng số liệu không cho biết thống kê giai đoạn nào. Trong số này, 60% về để làm nông.

Ma Yanwei mua một trang trại rộng 11 ha ở Alashan, Nội Mông vào năm 2015. Ông cho biết chính phủ đang hỗ trợ nông dân địa phương phương pháp bảo tồn nước ở khu vực khô cằn.

"Mặc dù Alashan đang bị đe dọa bởi sa mạc hóa nhưng không khí và đất rất tốt. Nông dân địa phương sử dụng nước ngầm để tưới tiêu. Họ trồng ngô, tiêu thụ rất nhiều nước", Ma tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh và có bằng tiến sĩ sinh thái học, nói.

Thay vì đào mương xung quanh miếng đất để nước bốc hơi nhanh, người đàn ông gốc Cáp Nhĩ Tân này hướng dẫn nông dân thiết lập hệ thống tưới nhỏ giọt ở từng gốc cây, với đường ống được cung cấp bởi chính quyền địa phương. Nhờ thế, lượng nước sử dụng giảm đi một nửa.

Nông dân đang chuẩn bị bán bắp cải ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nông dân đang chuẩn bị bán bắp cải ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Cũng giúp dân địa phương áp dụng các kỹ thuật canh tác thân thiện môi trường, Yixi Kanzhuo với tấm bằng MBA của Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Bắc Kinh, chuyển đến Yushu, tỉnh Thanh Hải vào năm 2015. Cô gái quê Đại Liên quyết định lập nghiệp ở vùng đất mới. Cô kết hôn vào năm ngoái và cùng chồng xây dựng một trang trại, cách thị trấn gần nhất đến 300 km.

Hai vợ chồng xây nhà bằng vữa truyền thống làm từ đất, gạo nếp và vôi để cho người khác thấy cách quay về đồng cỏ và thực hiện lối sống bền vững. Họ tổ chức một hợp tác xã cùng bảy gia đình khác, với 300 đầu gia súc. Cách này giúp họ có thể thay phiên chăn thả gia súc trong suốt cả năm để bảo tồn đồng cỏ.

"Hợp tác xã của chúng tôi không chỉ đơn giản về nông nghiệp. Đó là về cách mọi người có thể sống hài hòa với thiên nhiên. Chúng tôi muốn xây dựng khu nhà ở cho du khách. Họ có thể đến đây cưỡi ngựa, thiền, tập yoga và sống một cuộc sống yên bình", cô mô tả và đang đào tạo dân bản địa làm du lịch.

Mặc cho khó khăn, cô nói rằng cuộc sống mới tốt hơn nhiều so với khi ở thành phố lớn. "Để kiếm được 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ mỗi tháng, mọi người phải đi tàu điện ngầm đông đúc mỗi ngày và dành tất cả tiền lương cho chi phí sinh hoạt. Họ chỉ sống vì công việc. Tôi hy vọng con mình sẽ được sinh ra trong nhà. Chúng sẽ có thể lớn lên, được bao quanh bởi thiên nhiên và có một cuộc sống hạnh phúc", Yixi chia sẻ.

Tại Thiểm Tây, Zheng Lixing nói rằng ông mơ ước phát triển các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu, giống như nông dân Nhật Bản và phương Tây. "Có một câu chuyện thành công ở một thị trấn khác của Thiểm Tây, nơi mà 20 triệu nhân dân tệ đã được sử dụng để thành lập một vườn nho. Nho bán ở Hong Kong với giá hơn 200 nhân dân tệ một kg", Zheng kể.

Phiên An (theo SCMP)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét