Sau 10 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics, công ty Phạm Hoàng Trang quyết định mở rộng sang mảng nhập khẩu và phân phối trái cây chính ngạch.
Đêm muộn một ngày đầu tháng 3, anh Phạm Thiện Hoàng - Giám đốc Công ty Phạm Hoàng Trang chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của người bạn thân từ thời cấp ba. Gặp nhau cách đó chỉ 7 ngày, anh không hề phát hiện dấu hiệu của căn bệnh "tử thần" trên sắc mặt của bạn. Vậy mà, ung thư đã nhanh chóng mang người bạn ra đi, giống như cách nó đã làm trước đó với anh rể, với chú, bác anh.
Ám ảnh trước sự mất mát quá lớn của gia đình và bạn bè, Hoàng dành gần trọn cả đêm để nghiên cứu các tài liệu về nguyên nhân gây bệnh ung thư. Theo số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu, năm 2018, Việt Nam có 164.671 ca mới mắc ung thư và 114.871 người tử vong do căn bệnh này. Trung bình mỗi ngày, ung thư cướp đi sinh mệnh của 315 người.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chỉ 5-10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn bên trong cơ thể, gồm rối loạn nội tiết, tổn thương gene có tính di truyền. Còn lại, đến 80% do môi trường sống, như lối sống thiếu khoa học hoặc các chất độc đưa vào cơ thể như hút thuốc, uống rượu, thực phẩm không an toàn. Trong đó, thực phẩm bẩn là một trong những vấn đề nhức nhối tại Việt Nam.
Tìm hiểu kỹ các thông tin, Hoàng ấp ủ kế hoạch tạo ra nơi cung ứng thực phẩm sạch, góp phần nhỏ vào hành trình giảm nguy cơ ung thư tại Việt Nam. Với thế mạnh của mình, anh quyết định mở rộng sang mảng phân phối trái cây nhập khẩu có chất lượng cao và nguồn gốc rõ ràng. Cái tên GreenSpace Store - sau này là thương hiệu chuỗi cung cấp trái cây nhập khẩu của Phạm Hoàng Trang - cũng ra đời ngay lúc đó.
Ý tưởng của vị giám đốc được thông báo đến toàn thể công ty trong sáng hôm sau kèm theo yêu cầu ra mắt cửa hàng đầu tiên trong vòng 30 ngày, đã gây bất ngờ không chỉ với ban giám đốc mà chính những người thân trong gia đình anh.
Quyết định chuyển "từ hậu trường ra sân khấu"
Tốt nghiệp ngành Kinh tế biển, Đại học Hàng hải Việt Nam, Hoàng có gần 7 năm lăn lộn với các công việc trong lĩnh vực logistics, từ nhân viên giao nhận, đặt tàu đến quản lý kho bãi... Trước khi mở công ty Phạm Hoàng Trang chuyên về giao nhận hàng hóa quốc tế vào năm 2009. Anh kể, chính những ngày tháng thức thâu đêm chờ hàng nhập khẩu về cảng hay những lần leo vào container để đóng hàng xuất đi giúp anh tích lũy kinh nghiệm, tiến tới khép kín chuỗi cung ứng dịch vụ logistics quốc tế.
Anh Phạm Thiện Hoàng - sáng lập kiêm giám đốc Công ty Phạm Hoàng Trang. Ảnh: Hữu Khoa |
Do thói quen mua CIF (nhận hàng tại cảng đến), bán FOB (giao hàng tại cảng đi) của doanh nghiệp Việt Nam, ngành logistics trong nước đến những năm đầu 2010 còn èo uột. Thị phần phần rơi vào công ty nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam nếu có tham gia thị trường, chỉ cung ứng một khâu rất nhỏ trong mảng giao nhận vận tải như đặt tàu, làm thủ tục hải quan, vận chuyển...
Phạm Hoàng Trang là một trong số ít công ty tư nhân cung ứng dịch vụ giao nhận hoàn chỉnh. Khi nhận yêu cầu giao hàng ra nước ngoài, công ty tự gom đơn hàng, đóng container, làm thủ tục hải quan và đặt tàu. Tại các thị trường xuất - nhập khẩu chính, doanh nghiệp có đại lý, giúp nhận hàng, làm thủ tục nhập cảng cũng như gom hàng, đóng container và chuyển ngược về Việt Nam.
"Việt Nam chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành về logistis. Đa phần nhân sự là tay ngang từ trường Ngoại thương, Kinh tế, Hàng hải... Những kinh nghiệm trong nghề này gần như không thể học từ ai hay khóa đào tạo bài bản nào, mà phải tích lũy bằng cách lao vào những công việc nhỏ nhất", anh Hoàng chia sẻ.
Quyết định mở rộng sang lĩnh vực nhập khẩu và phân phối trái cây tươi được anh Hoàng ví như chuyển vai trò từ hậu trường lên sân khấu chính. Bởi trong việc cung ứng dịch vụ logistics, cái tên Phạm Hoàng Trang gần như không được người tiêu dùng biết đến, dù đã hỗ trợ vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hoá về Việt Nam. Ngược lại, với lĩnh vực phân phối sản phẩm, để bán dù một kg trái cây, anh cũng phải làm truyền thông thương hiệu, đào tạo nhân viên cách chăm sóc từng khách hàng cá nhân...
Ngay chính người nhà anh, khi biết đến quyết định này, cũng có ý ngăn cản. Đa phần mọi người đều khuyên anh, trong giai đoạn đầu chuyển sang lĩnh vực phân phối nên chọn các mặt hàng "an toàn" như sắt thép, đồ gỗ... Trái cây tươi là mặt hàng cần thiết tiêu dùng hàng ngày, nhưng rủi ro cao vì thời hạn bảo quản ngắn.
Tuy nhiên, với tâm huyết tạo dựng cho thị trường một nơi cung ứng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, Hoàng vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Hơn nữa, theo tìm hiểu của anh, trái cây tươi nhập khẩu là thị trường đang ngày càng mở rộng tại Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 10 tháng đầu năm, cả nước chi trên 980 triệu USD để nhập khẩu các loại trái cây, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, mức chi nhập khẩu rau quả cả năm nay có thể lên tới 1,7 tỷ USD.
Trong khi nhiều đơn vị lựa chọn con đường "xách tay" để tiết kiệm thời gian, chi phí cho các thủ tục hải quan, kiểm dịch hay bảo quản, Phạm Hoàng Trang định hướng thiết lập chuỗi cung ứng trái cây nhập khẩu chính ngạch. Bởi theo anh Hoàng, đây là cách tốt nhất để đảm bảo chất lượng cũng như nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, nó cũng buộc doanh nghiệp phải giải quyết nhiều thách thức.
Đầu tiên là về thủ tục hải quan. Để nhập khẩu một lô trái cây từ Mỹ, trước hết phải có giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Sau đó, phía doanh nghiệp phải chuyển giấy phép này sang Mỹ để xin chứng thư kiểm dịch thực vật (Phytosanitary Certificate) từ Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ - USDA và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (Certificate Of Origin) từ Phòng Thương Mại Hoa Kỳ. Khi hàng được vận chuyển về Việt Nam, đơn vị nhập khẩu còn phải xuất trình loạt giấy tờ như giấy đăng ký kiểm dịch, bản khai kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp... Để xin giấy chứng nhận kiểm dịch.
Khó khăn khác là về điều kiện bảo quản. Nếu con đường "xách tay" gần như không cần đảm bảo bất cứ điều kiện gì về bảo quản sản phẩm, thì nhập khẩu chính ngạch lại có những yêu cầu rất khắt khe. Theo đó, các lô táo Mỹ sau khi thu hoạch phải bảo quản ở nhiệt độ 0 độ C hay cherry từ 2 độ C. Mỗi loại trái cây phải được đóng trong một container khác nhau, làm đội thêm chi phí. Mỗi container còn trang bị con chip, để theo dõi nhiệt độ bên trong suốt quá trình vận chuyển.
Ngoài ra, chủng loại trái cây được phép nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện không nhiều. Nếu muốn đa dạng sản phẩm trong chuỗi cung ứng của mình, doanh nghiệp chỉ còn con đường tiểu ngạch hoặc nhập lại từ các nhà phân phối toàn cầu.
"Con đường chính ngạch, thực phẩm sạch đúng là rất sạch nhưng tốn nhiều thời gian và chi phí. Phải thật sự tâm huyết mới làm được", anh Hoàng trải lòng.
Đến những bước đi đầu tiên
Với kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực logistics, anh vẫn tự tin mình có điều kiện thuận lợi hơn khi bắt đầu công việc này so với nhiều người khác. Anh tự đặt ra cho mình và công ty hạn mức tối đa là 30 ngày từ ngày lên ý tưởng đến khi cửa hàng đầu tiên của GreenSpace Store đi vào hoạt động.
Bước vào thị trường khá mới mẻ, đội ngũ nhân sự chưa có nhiều kinh nghiệm. Hoàng gần như phải tự mình làm rất nhiều công việc, từ tìm mặt bằng mở cửa hàng, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đào tạo nhân viên bán hàng đến đi chọn mua từng chiếc tủ mát, gặp gỡ với cửa hàng, siêu thị, nhà phân phối để tìm kênh bán sỉ.
Bên cạnh logo GreenSpace Store nổi bật trên nền xanh lá cây, thể hiện định hướng cung cấp dòng sản phẩm xanh, an toàn, bộ nhận diện thương hiệu còn đi kèm với câu khẩu hiệu "hương nhớ vị thương". Anh Hoàng cho biết chọn slogan này vì không thích những gì quá cao sang, xa lạ mà gần gũi, thân thương, dễ đi vào lòng người. Mong mỏi nhất của ban giám đốc là nó có thể lan tỏa thông điệp "muốn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất với phong cách phục vụ chu đáo nhất". Công ty còn tiên phong áp dụng chính sách bảo hành 72 giờ với trái cây.
Phạm Hoàng Trang cũng thành lập chi nhánh GreenSpace USA phụ trách việc tìm các vườn trái cây chất lượng tốt tại Mỹ, thương thảo với từng nhà vườn và đóng container vận chuyển về Việt Nam.
Sau tất cả những cố gắng, ngày 13/4, đúng 30 ngày từ khi có ý tưởng, anh Hoàng đã thực hiện được kế hoạch đưa container táo đầu tiên - khoảng 20 tấn - từ Mỹ về nước và khai trương cửa hàng GreenSpace Store trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP HCM.
"Tôi tự đưa ra giới hạn để ép chính mình và toàn bộ nhân viên công ty phải nỗ lực hết mức có thể. Đây là thời gian rất nhanh để một thương hiệu ra đời và không ai tưởng tượng tôi có thể làm được", anh hào hứng nói.
Cửa hàng GreenSpace Store tại Tân Bình. Ảnh: Hữu Khoa |
Nhưng đến lúc này, công ty mới thật sự đối mặt với khó khăn của một đơn vị phân phối, đó là thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Đa phần người mua chỉ quan tâm đến yếu tố giá, thay vì chất lượng hay nguồn gốc sản phẩm.
Bản thân anh, khi làm việc với các cửa hàng, siêu thị hay nhà phân phối, dù cam kết sản phẩm là loại một với giấy tờ chứng minh nguồn gốc, kiểm dịch đầy đủ nhưng câu chuyện thương thảo cuối cùng cũng chỉ xoay quanh yếu tố giá.
Để đảm bảo phẩm cấp, trái cây của GreenSpace Store phải luôn ở trong môi trường nhiệt độ 0-4 độ C và người tiếp xúc trực tiếp phải mang găng tay. Nhưng nhiều đơn vị chỉ đồng ý nhập hàng với điều kiện công ty cam kết có thể bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ thường trong vòng 7 ngày. Đây là điều không thể làm được.
"Chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian và công sức để lấy các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nhưng họ không quan tâm. Họ nói rằng trái cây của anh cho dù tốt nhưng giá cao thì thị trường vẫn không chấp nhận", anh Hoàng kể lại.
Để tiêu thụ hết lô táo đầu tiên, anh Hoàng vận động người thân, bạn bè đến ủng hộ và chấp nhận bán với giá hòa vốn cho hai nhà phân phối lớn khác. Trái cây của GreenSpace Store là hàng loại một, nhập khẩu chính ngạch lại phải chấp nhận bán sỉ với giá bằng các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Bài học kinh nghiệm đầu tiên giúp Hoàng nhận ra rằng nếu chọn đi vào những nhà phân phối như vậy sẽ hạ giá trị và thương hiệu sản phẩm. Anh quyết định thay đổi hướng đi, bằng cách tạo dựng lên một kênh bán hàng riêng thông qua những nhãn hiệu độc quyền như táo Athena, táo Hera, táo Aphrodite...
"Cùng là táo Mỹ, nhưng táo mang thương hiệu Athena có chất lượng khác biệt. Tôi muốn thông qua các nhãn hiệu độc quyền này, để khách hàng khi nhìn thấy sẽ biết đây là sản phẩm của GreenSpace Store ở phẩm cách khác, không thể so sánh với hàng cùng loại", anh kỳ vọng.
Hiện tại, GreenSpace Store đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền cho dòng táo Aphrodite và đang tiến hành cho các dòng sản phẩm khác. Công ty cũng xúc tiến với một đơn vị đầu mối về truy xuất nguồn gốc để dán tem cho mỗi sản phẩm. Trong tương lai, chỉ cần qua một ứng dụng cài đặt trên điện thoại, người dùng có thể dễ dàng truy xuất một quả táo hay chùm nho của GreenSpace Store được trồng ở nông trại nào, các điều kiện kiểm dịch ra sao, bảo quản ở nhiệt độ bao nhiêu, về Việt Nam ngày nào...
Ngoài ra, bản thân Hoàng đang tích cực làm việc với các nhà vườn tại các nước khác để thiết lập chuỗi nhập khẩu trái cây chính ngạch đa dạng. Hiện, GreenSpace Store đã ký hợp đồng trực tiếp với các nhà vườn lớn tại Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Và tương lai là các thị trường mới mẻ như Chi Lê, Ai Cập, Ấn Độ, Israel...
Để góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, công ty đẩy mạnh truyền thông giúp phân biệt đâu là sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng với sản phẩm đội lốt hoặc phân biệt trái cây nhập khẩu chính ngạch với xách tay. Bên cạnh chia sẻ qua các bài viết trên website, doanh nghiệp còn tổ chức các hội thảo khoa học, quy tụ chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng. Hội thảo đầu tiên với chủ đề "Đánh tan nỗi lo thực phẩm bẩn" đã được diễn ra ngày 2/12 vừa qua, với sự tham gia của khá đông người tiêu dùng.
Người tiêu dùng đặt câu hỏi cho các chuyên gia tại hội thảo đầu tiên GreenSpace Store tổ chức với chủ đề "Đánh tan nỗi lo thực phẩm bẩn". Ảnh: Hữu Khoa |
Sau chưa đầy một năm từ khi bước chân vào thị trường, GreenSpace Store đã mở 2 cửa hàng bán lẻ tại TP HCM và thiết lập kênh phân phối ở các tỉnh thành như Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phan Thiết (Bình Thuận), Vũng Tàu...
Trung bình, mỗi tháng công ty nhập khẩu khoảng 2 container trái cây các loại. Tập khách hàng bán lẻ gần 1.000 người, với khoảng 10% trong số đó là khách hàng thường xuyên. Doanh thu từ trái cây đang đóng góp cho Phạm Hoàng Trang khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng. Vừa qua, GreenSpace Store còn được Trung tâm Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội cấp chứng nhận top 100 thương hiệu độc quyền năm 2018.
Dù thành quả hiện tại chưa đủ bù đắp chi phí bỏ ra để xây dựng chuỗi phân phối trái cây nhập khẩu, nhưng anh Hoàng cho biết vẫn tự tin bước tiếp con đường đã chọn.
"Mong ước lớn nhất của tôi là người tiêu dùng nhớ đến GreenSpace Store là nơi cung ứng trái cây nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng, chứ chưa nghĩ nhiều đến doanh thu hay lợi nhuận", anh tâm sự.
Xem nhiều nhất
-
Ngành thuế muốn đưa xe ôm, quán cóc vào dữ liệu quản lý
- Sabeco thuê chuyên cơ chở công nhân về quê ăn Tết
- 'Đại gia' gạo thế giới trồng 10.000 ha lúa bền vững ở Việt Nam
- MobiFone tặng xe Vinfast 1,8 tỷ đồng cho khách nạp thẻ
- Sau khi bị 'bêu' tên, doanh nghiệp nộp hơn 256 tỷ đồng nợ thuế
0 nhận xét:
Đăng nhận xét