Người đi kẻ đến
Sáng ngày 26/3, vừa hoàn tất một cuốc xe, anh Ngọc Sơn – tài xế UberMoto tại Hà Nội thấy trên màn hình ứng dụng hiện lên dòng chữ: "Chào mừng Uber gia nhập đại gia đình Grab". Đây là lần đầu tiên anh biết chuyện Uber sẽ rút khỏi Việt Nam và khi ấy anh cũng không ngờ mình từ một lái xe Uber, hóa ra sẽ lái cho Grab từ tháng 4 và thậm chí đến tháng 10 còn là tài xế của cả GoViet nữa.
Ngày 8/4, Uber chính thức rút khỏi Việt Nam, để lại Grab gần như "một mình một ngựa" trên thị trường gọi xe được định giá tới nửa tỷ USD của Việt Nam. Những lo ngại về việc Grab thao túng giá, độc quyền bắt đầu được đưa ra. Nhưng rồi chỉ một tháng sau đó, hàng loạt đối thủ mới đã xuất hiện.
Những ứng dụng đang có trên thị trường gọi xe Việt Nam. Ảnh: Anh Tú |
Tuy nhiên, không dễ để các tân binh có phần trong lĩnh vực khốc liệt vốn được ví như một cuộc đua đốt tiền. Vato, Aber, Mai Linh Bike... Đầy tự tin khi mới ra mắt với hàng loạt tuyên bố sẽ được rót vốn trăm triệu USD, đặt mục tiêu tuyển dụng hàng nghìn tài xế. Một thời gian ngắn sau khi tạo được hiệu ứng, họ gần như vắng bóng trên thị trường. Một số cũng từng phải dừng hoạt động vì trục trặc công nghệ.
Cuộc đua giành giật từ tài xế tới khách hàng
Với khoảng 175.000 đối tác tài xế ôtô và xe máy, Grab hiện vẫn là cái tên lớn nhất trên thị trường gọi xe Việt. Tuy nhiên, hãng này đang phải chịu sức nóng ngày một tăng từ những cái tên đáng gờm khác như Go Viet, Be hay Fastgo.
Sau 2 tháng "nghênh chiến" Grab, CEO Go Viet từng cho biết, hãng đạt được những con số khá ấn tượng như 30% thị phần tại Hà Nội, 35% tại TP HCM. Để đạt thành tích này, từ ngày ra mắt đến nay, với tiềm lực tài chính mạnh từ đối tác chiến lược Go Jek, Go Viet liên tiếp tung các chuyến xe giá rẻ "giật mình", có chuyến 1.000 đồng.
Trong khi, Be – hãng vừa ra mắt chưa đầy một tháng cũng đều đặn tung ưa đãi giảm giá hay tiếp thị đến tận sảnh nhiều chung cư lớn.... Những động thái này khiến Grab, Fastgo cũng không thể thua kém. Nhờ đó, khách hàng gọi xe đang nhận "mưa khuyến mại" mỗi ngày.
Tuy nhiên, Ngọc Sơn - tài xế UberMoto một thời giờ không chỉ chạy ứng dụng Grab mà còn cả GoViet. Không riêng Sơn, nhiều đồng nghiệp khác của anh lái ôtô cũng đang vừa dùng ứng dụng Grab vừa chạy FastGo. Một tài xế chạy nhiều tài khoản ứng dụng khác nhau là câu chuyện khá phổ biến trên thị trường gọi xe Việt.
Do đó, với tài xế, các hãng cũng đua tung chiêu thưởng "khủng". Một số hãng có chính sách thưởng lên đến hơn một triệu đồng cho tài xế mới hay Go Viet còn tuyên bố chưa thu chiết khấu. Mỗi ngày, các tài xế có thể nhận được thưởng thêm hàng trăm nghìn đồng nếu hoàn thành đủ số điểm được giao.
Quy mô thị trường gọi xe tại các nước Đông Nam Á. Nguồn: Google và Temasek |
Cùng với gọi xe, quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có thể tăng 4 lần - lên đến 2 tỷ USD vào năm 2025, theo một báo cáo mới được Google và Temasek công bố. Vì vậy, dựa trên mạng lưới khách hàng, tài xế đã có được, các hãng gọi xe cũng đang đẩy nhanh tốc độ phát triển các dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn... Để hiện thực hóa tham vọng trở thành siêu ứng dụng mỗi ngày.
Gần đây, người dân TP HCM cũng quen với hình ảnh hàng dài tài xế màu áo xanh - đỏ của Grab, Go Viet xếp hàng chờ lấy đồ ăn bên trong và ngoài cửa hàng trà sữa. Khuyến mại cho những vụ mới của hai hãng ngày một nhiều, hình ảnh quảng cáo cũng gắn liền với những ngôi sao hàng đầu showbiz hiện này.
Lời đáp trả từ taxi truyền thống
Trong lúc taxi công nghệ đang lao vào các trận địa mới, giới taxi truyền thống năm nay cũng nhiều thay đổi khá tích cực. Họ đã hiểu được xu hướng chuyển dịch công nghệ tất yếu, cũng như sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Taxi cho doanh nghiệp – miếng bánh độc quyền với taxi truyền thống từ trước đến nay cũng đã được Grab bắt đầu phát triển.
Vì thế, không căng băng rôn phản đối, đình công như vài năm trước, ngày càng có nhiều hãng taxi phát triển ứng dụng gọi xe, áp dụng công nghệ vào quá trình hoạt động. Tại Hà Nội, hồi cuối tháng 8, ba hãng taxi Thành Công, Sao Hà Nội, Ba Sao đã bắt tay nhau để thành lập liên minh taxi G7, hàng nghìn xe của các hãng hoạt động chung dưới một thương hiệu, hệ thống quản lý. Đây có thể coi là một bước ngoặt với taxi truyền thống vốn bảo thủ, chậm đổi mới.
Tiếp đó, đến đầu tháng 12, Liên minh taxi Việt cũng được ra mắt với sự tham gia của 17 doanh nghiệp taxi tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Khoảng 4.000 xe của liên minh vận hành thông qua ứng dụng EMDDI.
Nhưng mâu thuẫn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ vẫn chưa đến hồi kết và đỉnh điểm là cuộc chiến pháp lý trong phiên toà của Vinasun kiện Grab. Năm 2018, TAND TP HCM đã mở 7 phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng.
Tài xế Vinasun tập trung trước TAND TP HCM để phản đối Grab hồi tháng 9. Ảnh: Hữu Khoa |
Đây là vụ kiện chưa có tiền lệ tại Việt Nam và thậm chí trên thế giới giữa một doanh nghiệp đại diện cho mô hình kinh tế chia sẻ và một bên là truyền thống. Vụ kiện cũng nhiều lần phải dừng vì tính chất phức tạp. Phía Vinasun cho rằng, Grab đã hoạt động vi phạm pháp luật khiến họ thiệt hại nên đòi bồi thường. Trong khi đó, phía Grab khẳng định không hoạt động sai pháp luật và cũng không chấp nhận với những bằng chứng mà Vinasun đưa ra.
Trong quá trình xét xử, tòa đã nhiều lần dừng để phía Vinasun bổ sung chứng cứ, cũng như để hai bên hòa giải nhưng Vinasun và Grab không tìm được tiếng nói chung. Grab từng đề nghị mua cổ phần trị giá 65 tỷ đồng nhưng không được Vinasun chấp nhận.
Kết thúc phiên xử sáng 28/12, TAND TP HCM chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, tuyên buộc phía Grab Việt Nam bồi thường cho nguyên đơn hơn 4,8 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, mục đích của Vinasun trong vụ kiện này không phải là tiền. Doanh nghiệp này có thể đang muốn tạo sức ép lên các cơ quan quản lý trước khi ban hành Nghị định 86 mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, hướng Grab phải được quản lý với các điều kiện tương đồng như taxi truyền thống. Năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã 6 lần đưa ra dự thảo nghị định này nhưng đều xuất hiện các ý kiến trái chiều từ cả hai phía.
Thị trường gọi xe Việt đã chứng kiến một năm "trăm hoa đua nở". Khách hàng được thêm quyền lựa chọn, trong khi các hãng cũng phải đua nâng cấp chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu, cạnh tranh. Dù vậy, hầu hết vẫn chưa giải được một số bài toán như tài xế chê khách vào những ngày thời tiết xấu, giờ cao điểm. Do tăng trưởng quá nóng, nhiều hãng cũng làm chưa tốt công tác tuyển chọn, đào tạo tài xế để xảy ra một số trường hợp gây ảnh hưởng đến an toàn của khách hàng.
Anh Tú
0 nhận xét:
Đăng nhận xét