Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Nông nghiệp thăng tiến, nông dân vẫn lắc lư dễ ngã

BY Đăng Nguyên IN No comments

Nông nghiệp có vẻ thăng tiến nhanh, nhưng người nông dân vẫn lắc lư và dễ ngã. Trong khi đó, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vẫn li ti hóa, giống người gùi hàng đi trên các cây cầu khỉ.

Câu hỏi của Thủ tướng: Chúng ta đứng top 15 nước về nông nghiệp được không?

Bức tranh nông nghiệp đã khởi sắc

Tại tọa đàm Sức bật của nền kinh tế trong năm 2019 nhìn từ Tam nông, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp có khởi sắc, cái chính là thay đổi cơ cấu sản xuất, giảm diện tích lúa. Sản xuất nông nghiệp có biến chuyển rất mạnh sang chất lượng cao, vệ sinh an toàn, lần đầu tiên gạo Việt tiến vào Hà Nội, TP.HCM thay cho gạo Thái và gạo Campuchia. Thủy sản và trái cây Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh, tạo nên mức tăng trưởng lớn, 40 tỷ đô cho xuất khẩu.

Song, ông Sơn nhận định, chúng ta chưa thực sự đột phá về thị trường, thông tin thị trường mù mờ; thể chế vướng mắc quá lâu, doanh nghiệp không vào được; khoa học công nghệ chưa phát huy, chưa thiết thực cho người dân.

Năm 2017, nông nghiệp Việt Nam chứng kiến sự kiện: chưa bao giờ trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam lại quay lại thời kỳ kinh tế kế hoạch như thế, khi Nhà nước phải bàn với nhà kinh doanh để điều tiết giá thị lợn. Sau đó, tình hình giá cả thịt lợn diễn biến khá tốt, giá bán ổn định trở lại. Nhưng điều đó cho thấy người nông dân bị đẩy xuống thấp, người tiêu dùng bị đẩy lên cao. Các tập đoàn lớn đang đầu tư rất nhiều vào nông nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định, trước đây chúng ta làm sản xuất và xuất khẩu gần như một cách tự phát. Dù nhiều mặt hàng nông sản đứng ở tốp đầu như gạo và cà phê, hồ tiêu nhưng chúng ta chưa chú trọng nhiều tới vấn đề thị trường. Hiện nay, nhận thức đã thay đổi rất nhiều, từ sản xuất đến tìm kiếm thị trường.

Về xuất khẩu, nếu năm 2013, tỷ trọng xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam chiếm 15% thì năm nay dự kiến chỉ còn 10%. Thế nhưng, giá trị tuyệt đối vẫn đang tăng. Như vậy, ngành nông nghiệp đang có những tiến bộ rất lớn.

Nông dân vẫn còn lắc lư dễ ngã

Là một người nghiên cứu sâu về lĩnh vực Tam nông, nhà báo Hoàng Trọng Thủy cho rằng, thủy sản, lúa gạo và trái cây vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Song, sang năm 2019, ông thấy có một số thách thức, nếu để tiến lên và làm giàu thì chúng ta cần một nền nông nghiệp sạch.

“Nông nghiệp sạch đã bị chặn lối. Ở siêu thị, sản phẩm nông nghiệp sạch chỉ chiếm 9%. Vì sao có tỷ lệ thấp như vậy, vì họ yêu cầu chiết khấu lại rất cao, tới 30%”. Theo ông Thủy, vấn đề là các chủ siêu thị rất muốn nông dân trở thành người cung ứng, gia công; còn doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng tự nộp mình cho các ông chủ siêu thị người nước ngoài.

Nông nghiệp có vẻ thăng tiến nhanh, nhưng người nông dân vẫn lắc lư và dễ ngã. Nhiều chương trình được đưa ra, từ xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao,... Song thực tế, người nông dân đang mất phương hướng trong lựa chọn hướng đầu tư phát triển, ông nhận định.

Cũng theo ông Thủy, năm 2019, khó có thể có đột phát trong nông nghiệp vì thể chế quá phức tạp, Việt Nam rất khó chấp nhận tư tưởng khác lạ. Về nông thôn, chúng ta vẫn dựa trên nền tảng kinh tế hộ, văn hóa làng xã. Để làm giàu, cần có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vẫn li ti hóa, giống người gùi hàng đi trên các cây cầu khỉ.

“Năm 2019, phải đặt kinh tế trang trại lên trên hợp tác xã. Cần có sự vào cuộc hơn nữa của chính quyền để đáp ứng đúng sự nỗ lực của nông dân.Tôi đề nghị phải tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phấn đấu mục tiêu 5 năm sau phải tăng trưởng gấp đôi so với 5 năm trước”, ông Thủy nói.

Ông Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, đã tới lúc chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng trưởng phải dựa vào lợi thế nông nghiệp và con người, phải phát triển bao trùm.

Một điểm nguy hiểm khác là Việt Nam đã “tốt nghiệp”, trở thành nước thu nhập trung bình thấp, không còn được vay ODA ưu đãi. Vậy nên, Bộ Tài chính đã cắt giảm nhiều khoản cho vay lại. "Tôi cho rằng phải cắt giảm thủ tục, thời gian vay và cấp vốn ODA. Hiện các tỉnh rất sợ nợ công nên không dám vay, nhưng doanh nghiệp rất cần vay tiền để phát triển. Chúng ta nên lồng ghép với chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững", ông Sơn đề xuất.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong năm 2018, nông dân vẫn gặp rủi ro về thị trường, thời tiết, do đó phải thay thế bằng các cách cho vay khác nhau. Hiện rất nhiều ngân hàng ở Mỹ cho vay theo kiểu trên hàng tồn kho, trên khoản phải thu của khách hàng. Qua đó, ngân hàng kiểm soát dòng tiền, thay vì đòi hỏi có thế chấp.

Trong khi đó, ở Việt Nam việc cho vay kiểu này rất hạn chế, ngân hàng còn lo doanh nghiệp, nông dân đi vay nhiều chỗ, không kiểm soát được.

Bảo Phương

"Vào CPTPP: Cơ hội đột phá nông nghiệp, nâng cao vị thế Việt Nam"

"Vào CPTPP: Cơ hội đột phá nông nghiệp, nâng cao vị thế Việt Nam"

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, tham gia vào CPTPP, hy vọng lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, để bớt sự tập trung quá lớn vào thị trường Trung Quốc như hiện nay, chính là Nhật Bản.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét