Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào rửa tiền qua tiền ảo

BY Đăng Nguyên IN No comments

Trước đây, các tổ chức tội phạm mua bán những mặt hàng bất hợp pháp có thể bị bắt quả tang trong khi thanh toán. Sau đó, cơ quan pháp luật dùng chứng từ, tài liệu thanh toán làm căn cứ để truy tố, xét xử tội phạm. Tuy nhiên, nếu các đối tượng thanh toán qua Bitcoin hoặc các loại tiền điện tử thì khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý tội phạm.

Tiền ảo còn có thể được xem là nơi tẩu tán tiền phạm pháp hiệu quả. Nhiều đối tượng tham nhũng tẩu tán tiền ra nước ngoài để mua bất động sản một cách dễ dàng.

Giá Bitcoin rớt mạnh sao với đỉnh năm 2017.

Giá Bitcoin rớt mạnh so với đỉnh năm 2017.

Trên thế giới cũng đã diễn ra các vụ chuyển tiền trái phép thông qua Bitcoin. Riêng Việt Nam, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi cơ quan này ban hành chỉ thị 02 trong đó có yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng cường rà soát các hoạt động liên quan đến tiền ảo để có thể phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật như rửa tiền, tài trợ khủng bố...

"Qua báo cáo của các ngân hàng và sự rà soát của nhà quản lý, trước giờ chưa phát hiện ra trường hợp vi phạm nào liên quan đến việc rửa tiền, tài trợ khủng bố... Thông qua tiền ảo", ông nói.

Vị này cũng tái khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Gần đây, trước sự tăng nóng của đồng tiền ảo này, không chỉ trên thế giới mà nhiều người tại Việt Nam cũng bị cuốn vào, đặc biệt là giai đoạn năm 2017 và đầu năm 2018. Không ít người sẵn sàng vay tiền để đầu tư Bitcoin, và số khác thì đua nhau mua máy đào.

Tuy nhiên, giá của đồng tiền này đã biến động cực mạnh, có thời điểm lên đỉnh hơn 20.000 USD một Bitcoin vào cuối năm 2017. Điều này kéo theo giá trị vốn hóa của đồng tiền ảo đạt khoảng 336 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó thì giá liên tục lao dốc không phanh.

Ngày 24/12/2018, giá Bitcoin giao dịch quanh mốc 4.200 USD. Các nhà đầu tư tổ chức không rót tiền vào thị trường này như kỳ vọng, cùng sự kiểm soát ngày càng gắt gao từ giới chức các nước đã khiến tiền ảo dần mất giá.

Theo Ngân hàng Nhà nước, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đây là nội dung quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96 năm 2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, Nhà quản lý cho rằng, từ ngày 1/1, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Lệ Chi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét