Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Vênh đề xuất thời hạn, phân hạng bằng lái ôtô

BY Đăng Nguyên No comments

Theo đó, tại Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an đang xây dựng, bộ này đề xuất giấy phép lái xe (bằng lái) hạng A1, A2, A3 không có thời hạn như hiện hành. Các hạng còn lại chỉ có thời hạn 5 năm phải đổi 1 lần, gồm: B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE. Mỗi lần đổi bằng lái, người dân phải cung cấp thêm giấy khám sức khoẻ (giảm thời hạn sử dụng bằng lái xe ô tô dưới 9 chỗ từ 10 năm xuống 5 năm).

Trong khi đó, theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành và dự thảo luật sửa đổi luật này, Bộ GTVT đề xuất bằng lái hạng B (B1, B2, B, cấp cho người lái xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi) có thời hạn sử dụng 10 năm phải đổi 1 lần.

Theo các chuyên gia, hiện đa số người có bằng lái ô tô là hạng B, để lái xe gia đình hoặc taxi, nên nếu rút thời hạn bằng lái chỉ còn 5 năm, sẽ gây phiền hà rất lớn cho đa số người dân có bằng lái xe ô tô.

Về phân loại các hạng bằng lái, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT xây dựng và đã đưa ra lấy ý kiến trước đó, bộ này đề xuất có 17 hạng giấy phép lái xe (bằng lái). Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của chuyên gia, người dân, Bộ GTVT rút đề xuất xuống còn 14 hạng bằng.

Cụ thể, theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ, hạng bằng lái mới gồm: A1, A, B1, B2, B, C, D1, D2, D, BE, CE, D1E, D2E và DE.

Trong khi đó, tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng lại đề xuất chỉ có 11 hạng bằng lái xe, gồm: A1, A2, A3, B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE.

Với người khuyết tật, cả 2 dự thảo luật đều cho phép người khuyết tật học và thi lấy giấy phép lái xe ô tô để tham gia giao thông. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất cấp bằng lái B2 cho người khuyết tật điều khiển ô tô có cơ cấu phù hợp với tình trạng khuyết tật.


Còn Bộ Công an đề xuất, người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp bằng lái phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật.

Hiện cả 2 Dự thảo luật trên đang được 2 bộ song song xây dựng và lấy ý kiến người dân.


Còn theo quy định hiện hành, bằng lái xe được chia làm 15 hạng, gồm: A1, A2, A3, A4, B1 số tự động, B1 cấp cho người không hành nghề lái xe, B2, C, D, E, F, FB2, FC, FD, FE.

Trước đó, lý giải về thay đổi cách phân hạng bằng lái xe trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) Lương Duyên Thống cho biết: Năm 2015 Việt Nam tham gia Công ước Viên 1968, công ước cho phép Việt Nam có 5 năm để đưa các quy định trong công ước vào luật. Nếu quá thời hạn trên, Việt Nam chưa thực hiện cam kết sẽ xem như không tham gia công ước nữa, bằng lái xe Việt Nam sẽ không còn được thừa nhận giữa các nước thành viên.


Theo ông Thống, Công ước Viên chia các hạng xe để cấp bằng lái có 1 số điểm khác với Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam hiện hành, việc phân hạng bằng lái cũng có sự khác biệt. Cụ thể như, với xe tải, công ước Viên chia làm 2 loại, loại C1 cho lái xe tải 3,5-7,5 tấn, C cho lái xe trên 7,5 tấn. Còn Việt Nam chỉ có bằng loại C cấp cho lái xe tải từ 3,5 tấn trở lên…

“Nếu sau 5 năm Việt Nam không tiến hành các bước để luật hoá các quy định tại Công ước Viên, xem như chúng ta không tham gia công ước, giấy phép lái xe do Việt Nam cấp sẽ không được thừa nhận tại các nước thành viên”, ông Thống nói.


Theo ông Thống, nếu Việt Nam phân hạng giấy phép lái xe tương thích với Công ước Viên, người được cấp bằng lái tại Việt Nam có thể trực tiếp sử dụng bằng lái đó tại các nước thành viên mà không cần phải đổi Bằng lái quốc tế như hiện nay.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét