Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Hải quan hé lộ góc khuất vụ buôn lậu 44 nghìn tấn quặng

BY Đăng Nguyên No comments

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa quyết định khởi tố vụ án với tội danh “buôn lậu”. Quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Khai xuất khẩu tinh quặng, nhưng kiểm tra lại là quặng thô

Thông tin trên được Tổng cục Hải quan cho biết tối ngày 14/12. Vụ việc nằm trong "tầm ngắm" của cơ quan hải quan từ cuối năm 2019. Cụ thể, ngày 17/10/2019, Công ty Bảo Nguyên đăng ký tờ khai xuất khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh.

Hàng hóa theo khai báo là 42.000 tấn “tinh quặng Bauxit” (hàm lượng AL2O3>=50%, khối lượng +/-10%), thuế suất thuế xuất khẩu 20%, tổng trị giá lô hàng xuất khẩu là hơn 10,2 tỷ đồng. Công ty đã nộp thuế hơn 2 tỷ đồng.

Lô hàng trên đã hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định (cơ quan hải quan đã hoàn thành thủ tục kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, doanh nghiệp đã nộp thuế xuất khẩu).

Tuy nhiên, căn cứ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan Hải quan và kết quả giám định của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường (phối hợp với Trung tâm phân tích thí nghiệm địa chất, Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam là đơn vị có VILAS032 để thực hiện giám định) thì thực tế hàng hóa là “quặng Bauxit dạng thô” không được phép xuất khẩu theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ, không phải là tinh quặng Bauxit như Công ty đã khai hải quan.

Quặng thô có thuế suất xuất khẩu là 30% còn Tinh quặng có thuế suất xuất khẩu 20%.

Theo kết quả khám xét và giám định thì tổng trọng lượng hàng thực tế là hơn 44.123 tấn (nhiều hơn khối lượng khai hải quan 2.123 tấn), trị giá hơn 10,81 tỷ đồng và số thuế phải nộp là 3,24 tỷ đồng (số thuế ẩn lậu hơn 1,2 tỷ đồng).

Lỗ hổng quặng thô chưa qua chế biến đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, phiếu kết quả thử nghiệm số 19V02kk4551 do Công ty Bảo Nguyên tự lấy mẫu gửi cơ quan giám định, không có cơ quan Hải quan chứng kiến việc lấy mẫu, vi phạm quy định Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ Công thương (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 12/2016/TT-BCT) nên không có giá trị làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu trên.

Về căn cứ pháp lý để Công ty Bảo Nguyên xuất khẩu quặng có trong bộ hồ sơ hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 12/3/2020, Cục Công nghiệp - Bộ Công thương có văn bản cung cấp thông tin xác định điều kiện xuất khẩu tinh quặng bauxit là "Văn bản số 8228/BCT-CNNg ngày 25/8/2014 của Bộ Công thương và Quyết định số 270/QĐ-BND ngày 31/1/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn" có giá trị pháp lý làm căn cứ để cơ quan xem xét làm thủ tục xuất khẩu.

Phân tích văn bản số 8228/BCT-CNNg ngày 25/8/2014 của Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan cho rằng: Bộ Công thương cho phép Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên xuất khẩu tinh quặng bauxit với hàm lượng Al2O3 >=49%.

Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cung cấp thì: chất lượng quặng bauxit tại mỏ Léo Cao của Công ty Bảo Nguyên khi chưa chế biến đã có hàm lượng AL2O3 là 48,61-53,22% và thuộc loại sa khoáng trầm tích.

Tuy nhiên, tại công văn số 8228/BCT-CNNg ngày 25/8/2014, Bộ Công thương cho phép cho Công ty Bảo Nguyên xuất khẩu tinh quặng Bauxit thuộc trường hợp cá biệt với hàm lượng AL2O3>=49% (bằng, thậm chí là thấp hơn hàm lượng AL203 của quặng thô khi chưa biến của mỏ Léo Cao: 53,22%),

"Việc cho phép xuất khẩu với hàm lượng chưa cần phải qua chế biến đã đạt hàm lượng, thậm chí cao hơn hàm lượng cho phép dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng việc cho phép này để xuất khẩu khoáng sản thô nhưng khai là tinh với hàm lượng của khoáng sản thô", Tổng cục Hải quan đánh giá.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cũng phân tích Quyết định số 270/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép Công ty Bảo Nguyên xuất khẩu 118.000 tấn tinh quặng Bauxit tồn kho của năm 2018. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu thu thập tại Cục thuế tỉnh Lạng Sơn, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn thì toàn bộ lượng quặng khai thác, chế biến năm 2018 Cty Bảo Nguyên đã xuất khẩu hết, không còn tồn; bản thân doanh nghiệp cũng thừa nhận thực tế không có số lượng tồn kho này.

"Như vậy, Quyết định số 270/QĐ-UBND có dấu hiệu cấp trái pháp luật", Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, "Căn cứ vào Quyết định 270 QĐ-UBND cấp khống lượng tồn, ngoài lô hàng bị bắt giữ trên trong năm 2019 Công ty đã đăng ký 02 tờ khai, xuất khẩu tổng khối lượng 99.195 tấn tinh quặng bauxit, trị giá trên 24 tỷ đồng".

Như vậy, 2 tài liệu là chứng từ bắt buộc trong bộ hồ sơ hải quan, là căn cứ pháp lý để cơ quan Hải quan xem xét cho phép Công ty Bảo Nguyên xuất khẩu quặng bauxit nêu trên chưa phù hợp quy định của pháp luật?

Tổng cục Hải quan cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét về việc cấp phép này.

Căn cứ kết quả xác minh, Tổng cục Hải quan cho biết có cơ sở xác định: Công ty Bảo Nguyên khai sai tên hàng, mã số, thuế suất hàng hóa từ quặng bauxit thô, không được phép xuất khẩu thành tinh quặng bauxit để xuất khẩu; khai khống số lượng tinh quặng tồn năm 2018 để xin phép UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt kế hoạch xuất khẩu 2019 tại Quyết định số 270/QĐ-UBND, trị giá hàng hóa vi phạm lớn (trên 10 tỷ đồng), có dấu hiệu của Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi bổ sung 2017).

Ngày 20/11/2020, Cục ĐTCBL đã khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại cảng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đối với vụ việc vi phạm của Công ty Bảo Nguyên (Quyết định khởi tố vụ án đã được chuyển cho VKSND tối cao để kiểm soát việc tuân thủ quy định của pháp luật).

Lương Bằng

Siết chặt, ngăn tình trạng khai giá thấp, xuất lậu quặng sắt

Siết chặt, ngăn tình trạng khai giá thấp, xuất lậu quặng sắt

Hải quan đã ngăn chặn một số vụ việc kê khai giá thấp, xuất lậu quặng sắt. Thủ tướng cũng đã “lệnh” siết chặt việc xuất khẩu quặng sắt để đáp ứng nhu cầu các nhà máy thép trong nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét