Trong báo cáo mới đây, PBoC đánh giá rằng nền kinh tế nước này vẫn phụ thuộc lớn vào ngành kinh doanh bất động sản và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
PBoC: Trung Quốc sẽ thúc đẩy chính sách tiền tệ cẩn trọng. Ảnh: ibtimes.com
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc cho thấy đà phục hồi trong tháng 10/2016, các chuyên gia đang hướng sự chú ý vào việc Bắc Kinh sẽ điều hành chính sách tiền tệ như thế nào, khi nước này đang nỗ lực cân bằng giữa ổn định tăng trưởng kinh tế và kiểm soát các rủi ro tài chính.
Theo số liệu công bố đầu tuần, tháng trước, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,1%, ghi nhận tháng thứ tám liên tiếp tăng trên 6%. Đầu tư tài sản cố định từ tháng 1-10/2016 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự kiến tăng 8,2% của các nhà phân tích trước đó. Đầu tư trong lĩnh vực tư nhân cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện tích cực.
Nhà kinh tế Tom Orlik, thuộc hãng Bloomberg, nhận định các số liệu trên là thông tin đáng mừng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và điều này sẽ mở ra cơ hội cho Chính phủ Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh chính sách theo hướng kiềm chế đà tăng trưởng tín dụng và giá nhà đất.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã thông qua một loạt các chính sách trong đó có hạ lãi suất và nới lỏng các quy định đối với tiền gửi. Các gói kích thích kinh tế này đã thúc đẩy đà tăng trưởng của hoạt động đầu tư và thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giá nhà tại một số thành phố lớn đã tăng vượt mức kiểm soát và buộc các chính quyền địa phương phải có biện pháp thắt chặt lại.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đánh giá rằng nền kinh tế nước này vẫn phụ thuộc lớn vào ngành kinh doanh bất động sản và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Do đó, ngân hàng này có nhiệm vụ kiểm soát bong bóng bất động sản, đồng thời đảm bảo tính thanh khoản cần thiết cho các chương trình tái cấu trúc. Theo đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy chính sách tiền tệ cẩn trọng, với mức độ linh hoạt cần thiết và sự điều chỉnh kịp thời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét